【Bản án số 708/2024/HS-PT】NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Theo tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện hành vi phạm tội của các bị cáo như sau:

Vào khoảng tháng 5/2021, tại thôn A, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông, Bùi Văn H4 thuê Nguyễn Thế H5, Nguyễn Mạnh H6 và Lê Thanh T3 dựng chòi rẫy, làm đất, trộn phân,... trồng 2.613 cây xanh. Ngày 20/6/2021, Công an huyện Đ phát hiện, bắt quả tang và thu giữ toàn bộ 2.613 cây xanh, lá hình mác nhọn, mép lá hình răng cưa gửi giám định đều là cây cần sa. Tháng 10/2022, Bùi Văn H4 tiếp tục thỏa thuận và thống nhất với Nguyễn Xuân T cùng nhau góp số tiền 300.000.000 đồng mua hạt giống cây cần sa mang về rẫy của ông Huỳnh Công T5 tại thôn H, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông ươm trồng. T và H4 rủ và thuê Lâm Văn C, Nguyễn Duy L và Bùi Văn T4 cùng tham gia vào việc trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cần sa. Ngày 17/01/2023, Công an huyện Đ phát hiện, bắt quả tang và thu giữ 3.187 cây xanh; Kết quả giám định 3.187 cây xanh có thân, rễ, lá hình mác nhọn, mép lá hình răng cưa đều chứa chất ma túy, là cần sa.

Với hành vi như đã nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo Nguyễn Xuân T, Lâm Văn C, Nguyễn Duy L, Bùi Văn T4 phạm tội “Trồng cây cần sa” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là đúng người, đúng tội.

[2] Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[2.1] Hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo có bàn bạc, trao đổi về việc trồng cây cần sa. Vụ án có tính chất đồng phạm nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số 3.187 cây cần sa bị bắt quả tang. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử hành vi các bị cáo phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là đúng quy định pháp luật.

[2.2] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với các cây có chứa chất ma túy, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đây cũng là tiền đề gây ra các tệ nạn xã hội khác. Các bị cáo nhận thức được hành vi “Trồng cây cần sa” là vi phạm pháp luật (riêng bị cáo H4 lần phạm tội này đã lần thứ 2), nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội nên cần phải xử lý nghiêm. Khi xem xét quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá, áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử đối với các bị cáo là có căn cứ.

[2.3] Xét yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Xuân T, Lâm Văn C và Nguyễn Duy L:

Trong vụ án này, các bị cáo tham gia với vai trò khác nhau, cụ thể: Bùi Văn H4 (đã từng phạm tội và bỏ trốn) là người giữ vai trò quan trọng, tích cực nhất trong việc liên hệ mua hạt giống cần sa và thuê người trồng. Huyên thỏa thuận cùng Nguyễn Xuân T góp tiền mua hạt giống cần sa về trồng, và thuê các bị cáo khác trồng cây cần sa. Vì vậy, các bị cáo phải cùng chịu trách nhiệm hình sự chung đối với toàn bộ 3.187 cây cần sa bị bắt quả tang như kết luận của Bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trong số đó có 700 cây cần sa (số lượng cây làm cho các bị cáo bị truy tố từ khoản 1 lên khoản 2 Điều 247 Bộ luật hình sự) là do H4 tự chuyển từ Long An về Đắk Nông mà các bị cáo T, C, L không biết. Đối với số lượng 700 cây cần sa này thì các bị cáo T, C, L thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp thụ động. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét yếu tố này khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo T, C, L. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T có cung cấp tài liệu thể hiện bị cáo đã cung cấp nguồn tin tố giác tội phạm cho cơ quan chức năng, có chữ ký đóng dấu của công an địa phương, đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giảm một phần hình phạt cho các bị cáo có kháng cáo để đảm bảo việc phân hóa khi xem xét áp dụng hình phạt giữa các bị cáo trong cùng vụ án, và thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.

Đối với bị cáo Bùi Văn T4, thì sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo không có kháng cáo, Viện kiểm sát không có kháng nghị về phần hình phạt đối với bị cáo. Tuy vậy, bị cáo chỉ là người làm thuê, được bị cáo H4 và T thuê trồng cây cần sa. Hành vi phạm tội của bị cáo là tương tự, cùng mức độ vai trò với bị cáo C, L. Với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo T4 thì mức hình phạt 03 năm 09 tháng tù là có căn cứ. Tuy nhiên, do Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo C, L nên căn cứ Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự về việc xem xét các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, để giảm hình phạt đối với bị cáo T4 (tương đương như các bị cáo khác) cho đảm bảo tính công bằng về mức hình phạt giữa các bị cáo có cùng tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

[3] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa; Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo; Sửa một phần bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với đối với các bị cáo theo nội dung nhận định trên.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét